Chùa Tam Chúc – ngôi chùa linh thiêng hàng ngàn năm tuổi với kỷ lục đáng nể

Chùa Tam Chúc – địa điểm tâm linh đã không còn xa lạ gì nữa với mọi du khách trong thời gian gần đây. Ngôi chùa mang sức hấp dẫn khủng khiếp và thu hút không chỉ người đến hành hương mà còn là các bạn trẻ khám phá chụp ảnh.

Gắn liền với truyền thuyết “Tiền lục nhạc – Hậu thất tinh”, chùa Tam Chúc có địa thế tuyệt đẹp khi lưng thì tựa núi mặt thì liền sông. Bên cạnh đó, ngôi chùa này còn rất nhiều điểm hấp dẫn mà bạn cần phải khám phá!

1.Giới thiệu chung về chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng của tỉnh Hà Nam. Chỉ cách Hà Nội tầm 60km, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến ngôi chùa nổi tiếng này bằng xe máy hoặc ô tô. Điều đáng tiếc là tuyến đường chưa có xe buýt hoặc xe khách nhưng chắc chắn một điều trong tương lai, việc mở các tuyến đường đến chùa là điều sớm muộn.

chua-tam-chuc-7
Chùa Tam Chúc

Phía trước chùa Tam Chúc là một hồ nước rộng hơn nghìn ha được trấn yểm bởi 6 ngọn núi tựa như 6 chiếc chuông. Theo truyền thuyết, xưa kia có 6 nàng tiên nữ xuống trần gian vì say đắm trước cảnh đẹp hữu tình nơi đây mà quên mất lối về. Nhà trời cho quan binh tới gọi về, mỗi lần gọi lại cầm theo một chiếc chuông làm binh khí. Mỗi lần dùng xong, quan quân sẽ để binh khí ở lại, tổng cộng 6 cái chuông nên truyền thuyết Tiền Lục Nhạc( 6 cái chuông ở mặt trước) cũng từ đó mà ra.

Mặt sau chùa là 99 ngọn núi bao bọc lấy chùa, nổi bật trong số đó có 7 ngọn núi. Tương truyền xưa kia, 7 ngọn núi xuất hiện 7 ngôi sao hôm soi sáng khắp nhân gian. Nhưng vì lòng tham, con người đã toan tính cướp 7 ngôi sao đó bằng cách chất củi quanh núi đốt suốt mấy đêm ngày vì cứ nghĩ rằng như vậy sẽ lấy được 7 ngôi sao. Nhưng thay vì lấy được, 4 trong số 7 ngôi sao đã mờ dần đi khiến ánh sáng không còn chiếu rọi nhân gian nữa, chỉ còn 3 ngôi duy nhất soi chiếu một vùng, từ đó chùa cũng có tên là Ba Sao (tên cũ của chùa Tam Chúc).

chua-tam-chuc
Chùa Tam Chúc

Qua thời gian hàng trăm năm, chùa Tam Chúc ngày nào chỉ còn lại những di tích cổ như: những cột gỗ có đường kính rộng gần 1m, những cột đá, xà đá nguyên khối với kích thước lớn bị chôn vùi dưới nền di tích cổ,… Từ đây, chúng ta có thể thấy được trí tuệ, sự khéo léo và tài năng phi thường của người xưa đã tạo nên những tác phẩm thật sự để đời.

Trên nền chùa cũ, con người Việt Nam – hậu duệ của những tiền nhân khi xưa đã xây dựng lại chùa Tam Chúc mới với quy mô lớn hơn nhiều lần. Thêm nữa, ngôi chùa ngày nay còn có hàng trăm hàng ngàn những di vật đạo Phật khắp nơi trên thế giới quy tụ về. 

chua-tam-chuc-6
Chùa Tam Chúc

Đầu tiên, chúng ta phải kể đến 12.000 mảnh phù điêu miêu tả các điển tích của Phật được tạc bằng đá núi lửa Indonesia. Sau khi chuyển về Việt Nam, chúng được ghép một cách tỉ mỉ, công phu bởi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công lành nghề tại nước ta. Tiếp đến là mảnh thiên thạch mặt trăng với trọng lượng 5.5kg. Viên đá đã rơi xuống trái đất từ hàng ngàn năm trước được tìm thấy vào 2017 tại sa mạc Sahara và đã được ông Nguyễn Văn Trường đấu giá mang về chùa. Và điểm nhấn lớn cuối cùng ở chùa Tam Chúc là tượng Phật nặng 4 tấn được làm từ hồng ngọc và lấy trực tiếp từ Myanmar.

2.Nên đi chùa Tam Chúc vào thời điểm nào trong năm?

Khí hậu ở miền Bắc được chia làm 4 mùa khá rõ rệt, mỗi mùa đều có những đặc điểm đặc trưng và thu hút riêng nên bạn có thể yên tâm đến thăm chùa Tam Chúc vào khoảng thời gian nào cũng được. 

Tuy nhiên, thời điểm mùa xuân và mùa thu là thích hợp nhất vì tiết trời dễ chịu cũng như mát mẻ, thuận lợi cho các chuyến tham quan. Bên cạnh đó, đây cũng là mùa của những lễ hội để bạn có dịp tham gia và tìm hiểu kỹ hơn về các lễ hội truyền thống của Phật giáo. 

chua-tam-chuc-5
Chùa Tam Chúc

3.Khám phá bên trong chùa Tam Chúc có gì?

Để hiểu rõ hơn về chùa Tam Chúc, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu về Trục Thần Đạo của chùa từ cao xuống thấp bao gồm: chùa Ngọc – Điện Tam Thế – Điện Pháp Chủ – Điện Quán Âm – Cổng Tam Quan – Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế.

3.1 Chùa Ngọc

Chùa Ngọc là điểm cao nhất trong quần thể Tam Chúc, tọa lạc tại 1 trong 7 ngọn núi Thất Tinh. Đứng từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt rộng ra khắp quần thể chùa Tam Chúc. Chùa Ngọc cao 15m được xây dựng từ các phiến đá Granite đỏ lấy từ Ấn Độ. Không như những công trình khác, điểm đặc biệt của ngôi chùa này là những phiến đá được ghép lại mà không dùng bất cứ một vật liệu kết dính nào. 

chua-ngoc-tam-chuc
Chùa Ngọc

Bên cạnh đó, chùa Ngọc còn có pho tượng Phật vô cùng quý giá được tạc bằng ngọc nguyên khối cùng với 3 pho tượng Phật khác được tạc bằng đá Granite. Đặc biệt, chùa Ngọc cũng là nơi đặt thiên thạch mặt trăng quý nặng 5,5 kg có thể thay đổi màu sắc theo thời gian trong ngày.

3.2 Điện Tam Thế (Điện Tam Bảo)

Điện Tam Bảo là nơi thờ 3 ngôi báu của Phật giáo là: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Bên trong điện Tam Bảo có 3 pho tượng Tam thế Phật được đúc bằng đồng, tọa trên đài sen có cánh sen sát vàng đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Trước điện Tam Bảo có một chiếc Vạc Phổ Minh bằng đồng nặng 30 tấn. Điện Tam Bảo là điện lớn nhất trong Trục Thần Đạo với 3 tầng mái cong có chiều cao 39m với diện tích sàn là 5.400 m2 có thể chứa 5000 phật tử hành hương cùng lúc.

dien-tam-the-tam-chuc
Điện Tam Thế

3.3 Điện Pháp Chủ

Điện Pháp Chủ nằm dưới điện Tam Thế. Điện có hai tầng mái cong cao 31m với diện tích sàn 3.000m2. Tại đây thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác. Trong điện Pháp Chủ còn có 4 bức phù điêu lớn bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức thể hiện 1 trong 4 bước ngoặt lớn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sanh, thành Đạo, thuyết Pháp và nhập Niết Bàn.

3.4 Điện Quan Âm

Điện Quan Âm có diện tích tương đương Điện Pháp Chủ. Điện thờ một pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối, nặng 100 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác cùng với 8.500 bức tranh về những câu chuyện về đức Phật được tạc bằng đá núi lửa Indonesia. Thông qua các bức tranh, chúng ta có thể thấy một kho tàng phong phú những điển tích của Đức Phật về lòng từ bi phổ độ chúng sinh, thể hiện qua những lần ứng thân của Ngài khi trải qua vô số kiếp luân hồi.

3.5 Vườn Kinh

Bước qua cổng tam quan đồ sộ là vườn Kinh rộng lớn với 26 cột kinh cao 13.5m, rộng khoảng 2m và nặng đến 200 tấn. Lấy ý tưởng từ cột kinh Phật – bảo vật quốc gia tại chùa Nhất Trụ – Ninh Bình, các nghệ nhân điêu khắc lấy đá xanh Thanh Hóa cùng với đôi bàn tay khéo léo đã tạo nên công trình đặc biệt này. 

vuon-kinh-tam-chuc
Vườn Kinh

Cột Kinh có đế là một khối đá tròn tạo hình cánh sen, phía trên là phần thân cột hình lục giác đỡ trên cùng là một nụ sen. Các bạn có tự hỏi vì sao trụ được điêu khắc hình lục giác, vì nơi đây để khắc những lời Phật dạy nhắc nhở thế hệ con dân nước Việt tu thân tích đức góp phần xây dựng đất nước tốt đẹp giàu mạnh. Đây là điểm nhấn riêng và đặc biệt mà chỉ riêng chùa Tam Chúc mới có.

3.6 Cổng Tam Quan

Điểm cuối trên đất liền của Trục Thần Đạo là cổng Tam Quan. Theo như tên gọi, cổng có 3 lối vào – là lối kiến trúc truyền thống thường thấy ở Việt Nam. Cổng Tam Quan mang ý niệm “ba cách nhìn” của Phật giáo gồm “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”, thể hiện cái sắc (giả), cái không (vô thường) và trung dung của cả hai. Cổng Tam Quan được xây dựng với 3 tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam.

3.7 Trung tâm Hội nghị Quốc tế

Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Thủy đình) là điểm cuối của Trục Thần Đạo. Trung tâm được xây dựng trên mặt hồ, tựa như đóa sen nở giữa cảnh non nước hữu tình. Với diện tích sàn lên đến 10.000m², nơi đây có thể tiếp 3.500 khách, là nơi đón tiếp các đoàn Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đổ về tham dự Đại lễ Phật Đản Vesak 2019.

chua-tam-chuc-3
Chùa Tam Chúc

4.Chùa Tam Chúc và những kỷ lục đáng nể

  • Với tổng diện tích lên đến 5100 ha, chùa Tam Chúc được ghi vào sách kỷ lục Guiness thế giới là chùa có diện tích lớn nhất thời điểm hiện tại. 
  • Chùa Tam Chúc sở hữu tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, đây là ngôi tượng Phật nằm trong điện thời Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni có trọng lượng 200 tấn.
  • Chùa Tam Chúc còn đang trồng cây bồ đề có tuổi thọ lớn nhất thế giới do chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam. Cây bồ đề này được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Cây bồ đề này có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay và được coi là báu vật của quốc đảo này.
chua-tam-chuc-9
Chùa Tam Chúc

5.Một số lưu ý khi tham quan du lịch chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc là địa điểm tâm linh rất nổi tiếng trong thời gian gần đây nên lượng khách đổ về khá đông. Vì vậy, bạn cũng cần lưu ý một số điều khi đến thăm ngôi chùa này!

  • Chọn trang phục gọn nhẹ, lịch sự, kín đáo và phù hợp để giữ tôn nghiêm nơi chốn linh thiêng. Bạn có thể mang đồ theo chụp hình và thay trong nhà vệ sinh khá sạch sẽ của chùa. Chùa Tam Chúc vô cùng rộng lớn nên bạn hãy chuẩn bị một đôi giày mềm vừa chân hoặc giày đế bệt để thoải mái di chuyển tham quan vì sẽ leo bậc thang khá nhiều.
  • Chùa đang trong quá trình xây dựng nên mái che, đường đi cũng như cây cối chưa được hoàn thiện lắm, bạn nhớ mang theo nón hoặc ô để tránh nắng.
  • Chùa Tam Chúc tuy rất rộng lớn nhưng chỉ cần khoảng 5 – 6 tiếng là có thể tham quan hầu hết các điểm chính của chùa nên bạn hãy chọn đến vào đầu giờ chiều. Mình tham quan chụp hình đến khi hoàng hôn là đẹp, không nên đi sớm vì sẽ rất nắng và mệt.
  • Không xả rác bừa bãi và giữ trật tự nơi tôn nghiêm là chuyện ai cũng ý thức được nhưng phải nhắc lại một lần nữa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý bảo quản tư trang và đồ đạc của mình một cách cẩn thận.
  • Về vấn đề ăn uống, chùa có rất nhiều cây nước tự động cũng như sạp bán đồ ăn như, phần lớn là đồ ăn chay. Bạn cũng có thể chuẩn bị trước đồ ăn hoặc trái cây ở nhà, nên mang vừa đủ nếu không xách đi sẽ mệt lắm.
  • Sau khi gửi xe (miễn phí), bạn có thể mua vé tại Thủy đình, bạn có hai lựa chọn là đi xe điện là 90k và đi thuyền là 200k. Bạn nên thử trải nghiệm đi thuyền vì thuyền rồng vừa xịn sò mà ngắm cảnh siêu đẹp.  
chua-tam-chuc-4
Chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc còn nhiều điều để khám phá và là điểm đến không thể bỏ qua trong năm nay. Đến đây, bạn sẽ tìm hiểu được về ngôi chùa có tuổi thọ cả ngàn năm, được hòa mình giữa thiên nhiên, chiêm bái, cầu nguyện cho gia đình bạn bè và người thân. Chúc bạn và người thân có một chuyến hành hương an nhiên và hạnh phúc!

Bài viết khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *