Chùa Bái Đính – Ngôi chùa của những kỷ lục có một không hai

Ninh Bình nổi tiếng là một vùng non nước hữu tình, mây trời hòa quyện khi sở hữu một loạt các điểm tham quan đẹp nức lòng du khách. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có một địa điểm đặc sắc kết hợp giữa tham quan và du lịch tâm linh là chùa Bái Đính.

Có dịp đi du lịch miền Bắc, bạn hãy ghé chùa Bái Đính một lần để tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục đáng nể nhất Việt Nam và đây cũng là địa điểm tâm linh chắc chắn sẽ mang đến cho bạn một chuyến tham quan ý nghĩa.

1.Chùa Bái Đính ở đâu và được hình thành từ khi nào?

Chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình. Nếu xuất phát từ thành phố Ninh Bình thì chùa chính là điểm cuối cùng của quần thể du lịch Ninh Bình với thứ tự gồm: Tràng An, cố đô Hoa Lư và chùa Bái Đính. Ngôi chùa đã có bề dày lịch sử và phát triển lâu đời từ hàng nghìn năm trước. Vùng đất này được biết đến là vùng đất sinh vua, sinh thánh, sinh thần khi gắn liền với 3 triều đại phong kiến phát triển rực rỡ trong lịch sử Việt Nam là: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. 

chua-bai-dinh-2
Chùa Bái Đính

Đi qua thăng trầm gần nghìn năm lịch sử, chùa Bái Đính vẫn toát lên vẻ uy nghiêm cổ kính và mang sức hút chưa bao giờ hạ nhiệt trong lòng du khách gần xa. Theo các tài liệu được ghi chép lại, chùa chính thức được xây dựng 1121 bởi thiền sư nổi tiếng thời Lý là Nguyễn Minh Không. Trước đó, nơi đây thờ thần Cao Sơn nhưng chưa được xây dựng thành chùa. Đến thời điểm hiện tại, chùa Bái Đính đang thờ thần Cao Sơn, thiền sư Nguyễn Minh Không, thần và tiên.

chua-bai-dinh-1
Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là hệ thống gồm 2 chùa là chùa Bái Đính cổ và quần thể chùa Bái Đính mới được xây dựng 2005 sau này. Chùa Bái Đính cổ nằm cách điện Tam Thế mới 800m về phía nam. Ngôi chùa quay mặt về hướng tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi yên tĩnh. Còn chùa Bái Đính mới được nhiều người biết đến hiện nay xây dựng từ 2005 bởi doanh nhân Nguyễn Văn Trường. Ông cũng là chủ của những khu du lịch tâm linh nổi tiếng tại Việt Nam như: chùa Tam Chúc Hà Nam, hồ Núi Cốc Thái Nguyên, đặc biệt là khu du lịch Tràng An Ninh Bình. 

Chùa Bái Đính có tổng diện tích lên đến 539 ha bao gồm 27ha khu Bái Đính cổ và 80ha khu chùa Bái Đính mới. Khi mới hoàn thành, đây được xem là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó.

2.Thời gian thích hợp để viếng chùa Bái Đính

Từ tháng 1 – 3 âm lịch là khoảng thời gian thích hợp nhất để viếng chùa vì thời tiết dễ chịu và khá ấm áp. Thêm nữa, thời gian này chùa diễn ra các lễ hội đặc sắc thu hút người dân khắp nơi về cầu tự, viếng chùa vào dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu từ chiều mùng 1 tết, khai mạc vào ngày mùng 6 và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. 

Tuy nhiên nếu không muốn chen chúc và ồn ào, bạn có thể viếng chùa các thời gian khác trong năm. Hiện nay, các cây cối trong chùa đã xanh tốt, điều đó sẽ giúp bạn có một trải nghiệm tốt hơn vào những ngày nắng.

chua-bai-dinh
Chùa Bái Đính

3.Di chuyển đến chùa Bái Đính như thế nào?

Chùa Bái Đính cách Hà Nội 96km về phía Nam nên thời gian di chuyển sẽ nằm trong khoảng 2 giờ đồng hồ đi xe, bạn có thể đến đây bằng xe khách, xe ô tô hoặc xe máy. Nếu đi xe khách, bạn ra bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp bát, bắt xe đi Ninh Bình tầm 20 phút có một chuyến, giá vé từ 70 – 80k/người. Đến bến xe Ninh Bình, bạn có thể bắt xe ôm hoặc đi taxi đến chùa Bái Đính, giá taxi khoảng 120 – 130k/lượt. Trường hợp đi xe máy, bạn cứ đi dọc quốc lộ 1A để đến Ninh Bình, bạn qua cầu Gián Khẩu sau đó rẽ phải chạy khoảng 12km nữa là tới chùa.

10-min
Chùa Bái Đính

Khi đi viếng chùa, bạn sẽ không phải mất tiền vào cổng nhưng sẽ có một số khoản chi phí bạn có thể sẽ phải bỏ ra trong quá trình tham quan chùa như:

  • Vé ngồi xe điện tham quan khuôn viên siêu rộng của chùa: 30k/chiều và 60k/khứ hồi.
  • Nếu muốn có HDV thuyết minh để hiểu hơn về chùa, mức giá sẽ là 300k cho chùa mới và 500k cho cả 2 chùa.
  • Cuối cùng, vé thang máy lên bảo tháp là 50k.

4.Chùa Bái Đính – Ngôi chùa của những kỷ lục

Mời bạn cùng Tourhot24h.vn điểm qua một số kỷ lục đáng nể của chùa Bái Đính nhé!

Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á

Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên tòa sen ở chánh điện trong điện thờ pháp chủ đã được Trung tâm kỷ lục Châu Á xác lập là tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á. Tượng cao 10m, nặng 100 tấn bằng đồng nguyên chất dát vàng, đặt trên bệ 1,5m.

chua-bai-dinh-tuong-phat-bang-dong-dat-vang
Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á

Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á

Tượng Phật Di Lặc ngự trên ngọn đồi ở bên phải điện Tam Bảo. Pho tượng được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước. Tượng được đúc bằng đồng cao 10m, nặng 80 tấn nằm trên ngọn đồi cao 100m so với sân chùa. Trong tín ngưỡng, tượng Phật Di Lặc gắn liền với hình ảnh tươi cười, hiền hòa, luôn mang cho người nhìn cảm giác lạc quan và dễ chịu.

Hình tượng Phật Di Lặc có rất nhiều như: Phật với đám trẻ nô đùa, Phật vác bao bố phía sau, Phật tay cầm thỏi vàng,… nhìn chung đều mang ý nghĩa sẽ đem đến sự ấm no và hạnh phúc. Thế nên, chúng ta thường thấy hình ảnh tượng Phật trong các cơ sở kinh doanh hoặc trong nhà.

chua-bai-dinh-tuong-phat-di-lac
Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á

Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á

Từ hướng chính điện, bảo tháp nằm bên tay phải của Điện Tam Thế, phía sau là tượng Phật Di Lặc.

Bảo tháp cao 13 tầng với chu vi hình lục giác là 24m. Chiều cao của bảo tháp là 99m tượng trưng cho sự trường tồn và vĩnh cửu. Bảo tháp được thiết kế mang hơi hướng phật giáo thời Lý và mang đậm tinh thần Việt Nam. Điều đặc biệt là trên tầng 13, đỉnh của bảo tháp là nơi tôn thờ xá lợi của Phật, được thỉnh từ Ấn Độ. 

chua-bai-dinh-bao-thap-cao
Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á

Tương truyền, khi Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các Phật tử đã đem ngài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, trong tro cốt của ngày xuất hiện rất nhiều tinh thể trong suốt, cứng như thép và tỏa ra những tia sáng muôn màu tựa như ngọc quý. Tất cả có 84.000 viên được gọi là xá lợi – bảo vật của Phật giáo. Chùa Bái Đính là nơi an vị của 10 viên xá lợi,  gồm 7 viên được các chư tăng Thái Lan gửi tặng và 3 viên được nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thỉnh về trong một lần thăm chùa ở Ấn Độ.

Hành lang La Hán dài nhất Châu Á và chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam

Hành lang La Hán của chùa Bái Đính có chiều dài lên đến 3000m, đây là nơi an vị của 500 tượng La Hán được chạm trổ cầu kỳ và công phu. Những vị la hán được tạo hình với rất nhiều hình tượng khác biệt, được đặt dọc theo hai hướng đông tây từ cổng Tam Quan đến Tả Vu và Hữu Vu của chùa.

chua-bai-dinh-hanh-lang-la-han-
Hành lang La Hán dài nhất Châu Á

Chuông đồng lớn nhất Việt Nam

Với khối lượng lên đến 36 tấn và đường kính 3.7m, đây là chuông đồng lớn nhất Việt Nam. Chuông có tên là đại hồng chung, được đúc hoàn toàn từ đồng đỏ được sản xuất trong nước. Trên thân chuông được các nghệ nhân Việt Nam chạm trổ nhiều hoa văn, họa tiết tinh tế. Chuông chùa được đặt trong tháp chuông của chùa, được dùng trong việc kinh kệ và thờ phụng.

Khu chùa lớn nhất Việt Nam

Nằm trên vị trí giếng ngọc cũ dưới chân núi Bái Đính, giếng ngọc mới được xây dựng với đường kính 30m, sâu 6m hình bán nguyệt. Nơi đây vẫn còn lưu lại câu chuyện cổ về thiền sư Nguyễn Minh Không – người khi đó đã được thần linh báo mộng rằng dưới chân núi gần chùa có nguồn nước quý và lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng. Nước giếng ngọc quanh năm trong xanh, mát lành, điều đặc biệt là từ thời xa xưa đến nay, nước trong giếng chưa bao giờ cạn.

Chùa Bái Đính là một điểm đến tâm linh đáng để đến ghé thăm một lần. Hy vọng những thông tin mình cung cấp trên đây sẽ giúp các bạn có một chuyến hành hương, tham quan chùa Bái Đính thoải mái và vui vẻ nhất! 

Bài viết khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *