Cách Hà Nội khoảng 70km, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự ở Hà Nam tựa lưng vào núi với hai bên tả hữu thanh long – bạch hổ và nhiều cổ vật thiêng liêng mang tính lịch sử.
Nhiều người tìm đến ngôi chùa này như một chốn bình yên để trú ẩn tâm hồn, quên hết những phiền muộn, lo toan và nguyện cầu cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống.
1.Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự ở đâu?
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự tọa lạc tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ban đầu, chùa mang tên chùa Đùng – ngôi chùa bị bỏ hoang, ít ai biết đến nên xuống cấp trầm trọng. Mãi đến tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang mới về tiếp nhận, tu sửa lại khang trang và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai như hiện nay.
Ý nghĩa của cái tên “Địa Tạng Phi Lai Tự” là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể không bao giờ đến nơi này.
2.Thời điểm tốt nhất để đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự?
Với ngôi chùa bình yên này thì mỗi mùa sẽ cho bạn mỗi cảm xúc và trải nghiệm khác nhau. Tuỳ thuộc vào nhu cầu và sự sắp xếp thời gian của mình mà bạn có thể chọn thời điểm cho phù hợp.
Đặc trưng của chùa vào các mùa thường là: xuân với muôn sắc hoa tươi mới, nhiều không gian mang hình ảnh của Tết cổ truyền; mùa hè với không khí mát mẻ, cây cối xanh mướt; mùa thu là mùa của các lễ hội lớn như Vu Lan, lễ Vía Đức Địa Tạng Bồ Tát, Trung Thu,….; cuối cùng là mùa đông với các buổi trồng cây xanh quanh chùa.
3.Cách di chuyển đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự?
Tùy vào vị trí của bạn mà sẽ có nhiều cách để dễ dàng đến viếng chùa:
- Từ trung tâm huyện Thanh Liêm – Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự: quãng đường chỉ tầm 13km theo lộ trình trung tâm huyện Thanh Liêm – Quốc lộ 1A – Thanh Phong – Thanh Lưu – Liêm Sơn. Sau đó, bạn cứ hỏi người dân địa phương vị trí chùa là được.
- Từ Hà Nội – Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự: bạn ra bến xe Giáp Bát (Quận Hoàng Mai) đi tuyến Hà Nội – Ninh Bình theo quốc lộ 1A cũ, điểm xuống xe của bạn sẽ là cây Xăng Kim Cường ở ngã tư Xuân Trường. Giá vé chuyến đi này dao động tầm 60 – 80k, sau đó tiếp tục đi xe ôm vào chùa thêm 7km nữa (25 -30k tuỳ trình mặc cả của mình).
4.Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự có gì?
Đường vào chùa được trải đều bằng những viên sỏi trắng thay vì lát gạch đỏ như thông thường. Ngay trước khu Tổ đường, bạn sẽ bắt gặp 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người, sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định. Dạo trong khuôn viên chùa, bạn sẽ nhìn thấy những viên sỏi trắng tinh khiến cho lòng người trở nên thanh thoát.
Tương tự như bố cục của những ngôi chùa truyền thống khác, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự gồm có tòa Tam Bảo lớn nhất với tượng Đức Địa Tạng uy nghiêm nhưng cũng không kém phần hiền lành. Bên phải là nhà thờ Tổ để thờ các vị sư trụ trì theo các đời. Bên cạnh đó, chùa còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở (dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa), khu giảng đường (nơi các Tăng ni – Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu tại đây), khu nhà khách (dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa).
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách viếng thăm mỗi năm. Đây không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn mang đến cho khách viếng sự thanh tịnh và thoải mái trong tâm hồn.
Ở khuôn viên của chùa, bạn sẽ tìm thấy các khu vườn trái cây, các thảo dược, thuốc chữa bệnh, rau rừng,…tất cả đều được chăm sóc bởi các sư và người dân. Dưới chân núi, chùa có xây dựng một nhà trồng nấm khoảng 20m2 để cung cấp lương thực sạch cho các bữa lẩu chay hoặc để làm ruốc.
Còn với những ai thích đọc sách, nhất là những quyển sách nuôi dưỡng tâm hồn thì đây đúng là thiên đường với số lượng sách đáng nể phủ kín các bức tường. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi trong không gian yên tĩnh của chùa để thưởng thức trà hay ngắm nhìn những chậu phong lan sau nhà thờ Tổ.
5.Một số lưu ý khi đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
- Chọn thời điểm có các sự kiện tại chùa nếu bạn muốn: Tết Nguyên Đán, Chợ Quê trưng bày các mặt hàng và ẩm thực (9 – 10/1 âm lịch), khoá tu mùa hè (tháng 6 – 7 AL), lễ Vu Lan, lễ Vía ngài Địa Tạng Bồ Tát (30/7 AL), Tết Trung Thu, tham gia gói bánh chưng (trước Tết).
- Mang giày thể thao hoặc giày đế mềm vừa chân để thoải mái khi di chuyển vì không gian bên trong chùa rất rộng.
- Diện những bộ đồ lịch sự, kín đáo, phù hợp khi đến chốn tâm linh.
- Tránh bỏ tiền lên các tượng phật làm mất mỹ quan khu chùa mà thay vào đó bạn nên để đúng vào các hòm công đức nơi đây.
- Khi gặp quý sư thầy, sư cô, bạn nên chắp tay hình búp sen ngang ngực và cúi người chào “A Di Đà Phật, con kính chào thầy ạ” hoặc gặp các bạn đồng tu khác hãy mỉm cười để trao cho nhau những tình yêu thương khi đến chùa.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để có một chuyến ghé thăm chùa Địa Tạng Phi Lai Tự thuận lợi và hài lòng nhất.
Mình muốn xin lên chùa ở 1 tuần liệu có được không bạn